1. Tăng huyết áp là phải có đau đầu ???


Dù là triệu chứng thường được người bệnh chú ý, thống kê cho thấy chỉ khoảng 20% người bệnh tăng huyết áp thực sự có đau đầu. Thực tế, đến 2/3 số bệnh nhân tăng huyết áp hầu như KHÔNG TRIỆU CHỨNG - vậy nên tăng huyết áp còn được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". 

2/3 số người bệnh Tăng huyết áp hoàn toàn KHÔNG biểu hiện triệu chứng gì ĐẶC HIỆU !!!

2. Đau đầu chắc chắn là triệu chứng của Tăng huyết áp ???

Đau đầu là một triệu chứng có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý. Đau đầu Migraine, đau đầu căng cơ, thậm chí... u não cũng gây đau đầu. Ngoài ra, đau còn là một cảm nhận chủ quan, phụ thuộc vào mức chịu đau và tâm lý của người bệnh. Nghiên cứu cho thấy người bệnh đang điều trị tăng huyết áp có xu hướng chú ý hơn đến triệu chứng đau đầu và tỉ lệ ghi nhận có
đau đầu nhiều hơn người chưa biết mình bị tăng huyết áp.

 

3. Huyết áp càng cao thì càng đau đầu ?

Các nghiên cứu cho thấy, cơn đau đầu ở bệnh nhân có trị số huyết áp tâm thu từ 140 - 180 mmHg ít có liên quan tới bệnh lý tăng huyết áp, mà có thể do những nguyên nhân khác (mất ngủ, căng thẳng, đau đầu migraine,..). Nghiên cứu dựa trên máy theo dõi huyết áp liên tục 24h (Holter huyết áp) ở bệnh nhân tăng huyết áp, mặc dù tỉ lệ báo cáo triệu chứng đau đầu lên tới 30% nhưng trị số huyết áp lại không liên quan tới việc xuất hiện cơn đau đầu: thậm chí, lúc huyết áp cao nhất lại không thấy đau đầu !!!
Một số nghiên cứu cho thấy tương quan YẾU giữa huyết áp tâm trương (trị số huyết áp thấp hơn) với triệu chứng đau đầu, còn với huyết áp tâm thu lại hoàn toàn không có mối liên quan.
Holter huyết áp cung cấp bằng chứng trực quan về chỉ số huyết áp, cũng như tương quan giữa mức huyết áp và triệu chứng đau đầu.
4. Đau đầu gợi ý các nguyên nhân tăng huyết áp đặc biệt cần thăm khám để tầm soát và điều trị kịp thời ?
  • Thai phụ có đau đầu kèm huyết áp tăng, phù chân, cần cảnh giác sản giật/ tiền sản giật.
  • Đau đầu xảy ra theo "cơn", trong cơn kèm cảm giác hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, cần cảnh giác U tủy thượng thận.
  • Đau đầu nhiều vào buổi sáng sau ngủ dậy, ngủ ngáy to, cần cảnh giác Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).
 
TÓM LẠI:
  • Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân, không hẳn chỉ do tăng huyết áp. Thống kê cho thấy phần lớn các tình huống tăng huyết áp không gây đau đầu mà nhiều khả năng là do nguyên nhân khác.
  • Tuân trị thuốc, tái khám đúng lịch hẹn và theo dõi huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để giảm nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp.
  • Cảnh giác với một số tình huống đau đầu gợi ý bệnh nền nguy hiểm, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được điều trị kịp thời.
Tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm, với nguy cơ biến cố và tử vong tim mạch cao, tuy vậy, bệnh thường ít khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, theo dõi sức khoẻ định kỳ và tuân trị đầy đủ đóng vai trò hết sức quan trọng, quý khách hàng hãy tìm đến Phòng khám Nội Tổng quát - Tim mạch THIÊN PHÚC để được bác sĩ chuyên khoa Tim mạch tư vấn, theo dõi và điều trị hiệu quả.