1. Dấu hiệu nhận biết Tăng huyết áp người trẻ là gì?

Tăng huyết áp ở người trẻ (dưới 35 tuổi) là dạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ mắc khoảng 5% - 12%. Tăng huyết áp ở người trẻ thường được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám vì lý do khác. Trong số đó, khoảng 70% không có các triệu chứng thường thấy như nhức đầu, chóng mặt...
Ở người trẻ, tăng huyết áp thường có chỉ số huyết áp dưới (tâm trương) cao, ví dụ 120/95mmHg, trong khi đó, tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng chỉ số trên (tâm thu), tăng huyết áp tâm thu đơn độc, ví dụ 170/80mmHg.
Tăng huyết áp gây các biến chứng tim mạch, đột quỵ... Ngoài ra, ở người trẻ bị tăng huyết áp thì tỉ lệ rối loạn chức năng tình dục cao gấp 2,5 lần so với người không bị tăng huyết áp. Tỉ lệ này còn cao hơn khi mắc kèm theo bệnh nền khác như đái tháo đường, bệnh lý thận mạn... Ngoài ra, người bệnh cũng dễ bị rối loạn cảm xúc theo chiều hướng dễ nóng giận, mất kiềm chế...
 

2. Nguyên nhân gây Tăng huyết áp người trẻ?

Tăng huyết áp ở người lớn tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân (Tăng huyết áp vô căn hay Tăng huyết áp nguyên phát). Tuy nhiên, ở người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân (Tăng huyết áp thứ phát) cao hơn. Các nguyên nhân gây tăng huyết áp người trẻ nếu có, bao gồm:
  • U tuyến thượng thận gây cường chức năng tuyến thượng thận, kết quả là tăng sản xuất và tiết hormone trong máu gây tăng huyết áp.
  • Hẹp động mạch thận hai bên cũng là nguyên nhân tăng huyết áp cần được tầm soát.
  • Cường chức năng tuyến giáp cũng có thể gây tăng huyết áp với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cũng góp phần làm gia tăng và trẻ hóa tình trạng tăng huyết áp:
  • Sử dụng các chất kích thích: như rượu bia, thuốc lá,… được coi là một trong số những yếu tố nguy cơ hàng đầu khiến tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ tuổi ngày càng tăng.
  • Stress: Những người trẻ tuổi dễ bị stress vì áp lực cuộc sống, công việc, học tập,... Nhiều nghiên cứu đã cho thấy stress kéo dài làm tăng nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp.
  • Thói quen ăn mặn: Ăn mặn, nhiều muối trong chế biến thức ăn là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
  • Dùng thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh chứa nhiều cholesterol “xấu” rất có hại cho tim mạch. Các loại đồ ăn này gây rối loạn mỡ máu, xơ vữa lòng mạch, tăng huyết áp đồng thời gia tăng nguy cơ béo phì.
  • Di truyền: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tăng huyết áp có yếu tố di truyền. Một người có nguy cơ cao hơn nếu trong gia đình cũng có người cũng bị bệnh. Bên cạnh yếu tố di truyền, nguy cơ mắc tăng huyết áp còn phụ thuộc vào các thói quen, sinh hoạt trong gia đình như: chế độ ăn uống,... 

Tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm, với nguy cơ biến cố và tử vong tim mạch cao, tuy vậy, bệnh thường mất khá nhiều thời gian cho đến khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
Vì vậy, theo dõi sức khoẻ định kỳ và tầm soát sớm đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt với nhóm đối tượng nguy cơ cao, quý khách hàng hãy tìm đến Phòng khám Nội Tổng quát - Tim mạch THIÊN PHÚC để được bác sĩ chuyên khoa Tim mạch tư vấn, theo dõi và điều trị hiệu quả.