Nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung, bệnh mạch vành nói riêng gia tăng ở nữ giới sau tuổi mãn kinh.

1. Các yếu tố nguy cơ mắc Bệnh Mạch Vành?

Bệnh mạch vành hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, suy mạch vành, thiểu năng vành đều để chỉ tình trạng mất cân bằng cung cầu oxy cơ tim mà phần lớn là do hẹp động mạch vành.
Nguyên nhân gây hẹp động mạch vành thường do các mảng xơ vữa gây tổn thương lớp nội mạc động mạch vành (chiếm khoảng hơn 90% trường hợp). Các mảng xơ vữa ngày càng phát triển, khiến cơ tim không nhận đủ máu nuôi, gây bệnh cảnh “thiếu máu cơ tim”.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành bao gồm:
  • Giới tính: nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, tuy nhiên sau mãn kinh từ 5 - 10 năm, nguy cơ của nữ giới cũng tăng lên.
  • Yếu tố di truyền: gia đình có người mắc bệnh mạch vành sớm, tăng huyết áp, rối loạn đường huyết và mỡ máu.
  • Tuổi: nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp sẽ làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch vành.
  • Rối loạn mỡ máu: đặc biệt là các loại mỡ “xấu” như Triglycerid, LDL-C.
  • Đái tháo đường: thường kèm tổn thương mạch máu, bao gồm cả mạch vành.
  • Tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, đều là các tiền đề của bệnh mạch vành.
  • Thói quen hút thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá sẽ làm gia tăng quá trình xơ vữa động mạch.
  • Ít hoạt động thể lực.
  • Stress.

2. Vì sao sau mãn kinh, nguy cơ bệnh mạch vành ở nữ giới lại gia tăng?

Khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, ngoài các thay đổi về tâm sinh lý, họ còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, điển hình là bệnh mạch vành. Ở độ tuổi 50, phụ nữ sẽ phải đối mặt với sự gia tăng 45% nguy cơ bị bệnh mạch vành, 31% nguy cơ tử vong do căn bệnh này. Đến tuổi 65 thì nguy cơ bị bệnh của nữ bằng với nam giới.
Nguyên nhân của tình trạng này đó là:
  • Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, hệ tim mạch sẽ được bảo vệ bởi hormon sinh dục nữ estrogen. Hormon sinh dục này có tác dụng làm giảm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Qua tuổi 40 (giai đoạn tiền mãn kinh), lượng hormon estrogen sụt giảm một cách đáng kể và bắt đầu giai đoạn tiến triển các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành,...
  • Các biến đổi thành động mạch tạo điều kiện thuận lợi cho các mảng xơ vữa tính tụ và hình thành cục máu đông.
  • Thay đổi thành phần mỡ máu: LDL-C là cholesterol “xấu” tăng, trong khi HDL-C là cholesterol “tốt” lại giảm.
  • Tăng nồng độ fibrinogen - một yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu - làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Ngoài các thay đổi trên, nguyên nhân khiến nữ giới ở độ tuổi mãn kinh mắc bệnh tim mạch nhiều hơn là do:
  • Tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn.
  • Dễ bị các rối loạn tuyến giáp hơn.
  • Nhiều áp lực trong cả gia đình và công việc hơn.
Điểm cần lưu ý là các triệu chứng biến cố cấp tính của bệnh mạch vành ở phụ nữ thường mơ hồ làm cho việc chẩn đoán gặp khó khăn, gần 40% không có triệu chứng đau ngực điển hình, và thường có biểu hiện của những cơn đau khác như đau ở vùng cổ, vai, vùng dạ dày,… biểu hiện vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa hoặc mệt mỏi dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khoảng 2/3 bệnh mạch vành ở phụ nữ thường tử vong đột ngột không có dấu hiệu báo trước.

3. Vậy phụ nữ sau mãn kinh cần làm gì để phòng chống bệnh mạch vành?

Đứng trước nguy cơ gia tăng mắc bệnh mạch vành nói riêng và bệnh tim mạch nói chung, phụ nữ sau mãn kinh cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp sau:
  • Nếu có thói quen hút thuốc lá cần loại bỏ thói quen này.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp.
  • Luyện tập thể lực với cường độ phù hợp, duy trì đều đặn.
  • Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, ăn nhiều chất xơ, các loại đậu, ngũ cốc, rau xanh, trái cây,...
  • Điều trị và kiểm soát tốt bệnh lý chuyển hoá nền (nếu có): đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,…
  • Sử dụng liệu pháp hormone thay thế: có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng liệu pháp này.
Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột tử. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh có thể phòng ngừa bằng việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày. Để theo dõi và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh, đặc biệt đối với phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, người bệnh nên tìm đến sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, ngay tại Phòng khám Nội Tổng quát - Tim mạch THIÊN PHÚC.